Thursday, January 12, 2012

Thiến sót(*)

Vài lời phi lộ của tác giả:

Thấm thoát đã 10 năm bạn tôi Hoàng Xuân H – ra đi về cõi vĩnh hằng (23 tháng chạp năm Nhâm Ngọ – 23 tháng chạp năm Nhâm Thìn). Cái chết tức tưởi của bạn làm tôi phân vân trước lí thuyết Tướng số, Nhân quả, Tái sinh khi những hiện tượng kì lạ vẫn thường xuất hiện đây đó trong cuộc sống hàng ngày mà không thể giải thích được… Tôi đã’’chép’’ hầu như nguyên vẹn sự kiện xẩy ra với H… (nhân vật Hoàng) – ở cái tết mưòi năm trước. Từ không gian, thời gian sự việc, hành động trong truyện đúng như những gì tôi được nghe H… kể lại trước khi đột ngột về với cát bụi trong một tai nạn thảm khốc…

Truyện Thiến Sót phản ánh chân thực sự việc đã xẩy ra đối với H (nhân vật Hoàng), tôi chỉ sắp xếp về văn phong cho khỏi ’’thô, ráp’’ nhằm đạt được tiêu chí của một Truyện Ngắn!

Đã nhiều lần tự hỏi lòng: Có’’Ma Gà’’ không? Liệu trong đám… Gà kia có những ’’linh hồn Người’’ – nhập vào, đi đầu thai chuyển kiếp, bạn tôi đã ngăn trở niềm hi vọng của họ ? Kết quả oan hồn tích tụ – biến thành Ma – trả báo người bạn tội nghiệp kia – chăng?…

xxx

Tết đến, hầu như mọi gia đình người Việt, mọi bếp Việt đều làm mâm cỗ có thịt gà, bày lên bàn thờ cúng gia tiên. Con gà đối với đời sống dân ta thật gần gũi, thân thiết.. Chính vì vậy, khi bị dịch cúm H5N1, khi thị trường – vì lí do này hay khác – không cung cấp đủ thịt gà cho nhu cầu tiêu thụ, khiến cái tết của dân gian giảm đi sự kính cẩn, thoả mãn. Xung quanh chuyện ’’con gà’’ đã xẩy ra khá nhiều điều đáng suy nghĩ…

Xin kể một trong vô số chuyện đó!

Đồng nghiệp Hợp tác lao động của tôi – vốn sinh ra, lớn lên ở một huyện trọng điểm lúa của tỉnh Nam Định. 20 năm đầu của cuộc đời, anh ở quê với bố mẹ. 15 tuổi đã phải cùng cha, anh kéo cầy, kéo bừa thay trâu vì sau Cải Cách Ruộng Đất (1957), làng anh trâu chết khá nhiều khiến thiếu sức kéo, dân nghèo phải thay trâu làm cái việc cần thiết để cắm cây lúa xuống ruộng, đến mùa có thóc, có gạo mà chống đói.

Năm 1962, tròn 20 tuổi, anh Hoàng – tên ông – xung phong đi nghĩa vụ quân sự. 14 năm coi kho ở trong rừng Trường Sơn, anh trở thành ”người rừng” đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bù lại – vì để giải trí cho đỡ buồn trong những ngày cùng 2 đồng đội sống trong rừng – anh lấy săn băn làm thú vui, giải trí. Và thế là chim, gà, lợn, hoẵng ở một góc rừng Trường sơn đã là nạn nhân của Hoàng. Chúng mang thân mình để giúp anh trở thành nhà thiện xạ môn bắn nỏ. Nỏ tự chế -chứ không phải súng. Bởi vì giữ bí mật tuyệt đối cho kho quân trang quân dụng, cấp trên nghiêm cấm nổ súng nếu không phải bị kẻ địch tập kích.

Cuộc chiến tranh gian khổ kết thúc (1975), năm sau ông Hoàngđược chuyển ngành.

Đi lính chỉ biết tìm kế giết muông thú, văn hóa mới hết cấp 2, bây giờ thì ngại học, căn cứ nguyện vọng, chế độ ưu tiên, cơ quan Quân lực cho ông chuyển về ngành Lâm Nghiệp vì biết ông đã từng nhiều năm ở rừng (Chắc là anh này hiểu rõ về rừng – họ nghĩ thế). Nhưng cơ quan chủ quản không thể bô trí ông vào đâu, ngoài phòng bảo vệ văn phòng Tổng công ty. Nói cho có vẻ oai, thực ra đó là anh lính gác cổng không quân hiệu. Tuy vậy, ông vẫn vui, hào hứng chẳng khác nào hai lần trước: Cầm quyết định đi Nghĩa vụ quân sự và lên đường vào rừng sâu coi kho. ”Ngồi trong rừng ngắm cây chán rồi, bây giờ được ngồi giữa phố phường ngắm… Người – cũng thú ” – ông tự an ủi mình.

Tưởng cứ thế trôi tuột 20 năm thứ 2 của cuộcđời. Nhưng giữa năm 1981, nhà nước có chủ trương cho công nhân viên đi Hợp Tác Lao Động ở 4 nước XHCN Đông Âu. Biết tin, tự dưng trong đầu ông Hoàng xưất hiện ý nghĩ: ‘‘Sao minh không đi một chuyến cho biết đó biết đây. Ở mãi cái chòi gác này – (ông gọi phòng thường trực ở cổng cơ quan như vậy) – cứ mụ mẫm cả đầu. Đi, vừa được biết xứ Tây làm ăn ra sao… lương bổng chắc khá hơn.. lại không sợ người ta đuổi về quê tiếp tục ”theo đít trâu” (đi cầy) – khi mà cơ quan văn phòng đang gióng lên hồi chuông giảm biên chế!

Chưa kịp lên gặp lãnh đạo bầy tỏ nguyện vọng, trưởng phòng Lao Động – Tiền lương đã đến tận ”chòi gác” gợi ý cho đi. Thế là đầu năm 1982, ông vác ba lô lên đường đến đông Đức (DDR) Hợp Tác Lao Động.

Hai mươi năm thứ 3 của đời ông bắt đầu như thế.

Trong môi trường mới, ngoài giờ lao động ở xưởng, cánh thợ trẻ đua nhau tập tễnh ”buôn thúng bán bưng”. Ông Hoàng thấy ”hay hay” cũng bắt chước. Thay vì may quần áo bò đóng Mác giả, đổi ngoại tê USD, D. Mark ăn chênh lệch – cho dân bản xứ… Ông quyết định”thi triển” ngón nghề tuyền thống của mình: Đến lò mổ của thành phố‘’khai thông nguồn hàng’’ bằng chai rượu Vodka Nga. Người quản đốc niềm nở đón tiếp ’’đối tác’’ vì đã giúp mình xử lí đám vật dụng phế thải. Họ vui vẻ thoả mãn yêu cầu của Hoàng: Sáng sớm thứ 5 hàng tuần cấp cho ông dăm cỗ lòng lợn, tiết, dạ con – đã được ông hướng dẫn thợ mổ ’’hãm’’ đúng kỹ thuật, đựng trong can nhựa đủ đánh tiết canh, tiết luộc và nấu cháo lòng phục vụ đồng hưong của mấy khu tập thể người Việt. Món ăn khoái khẩu chế biến từ lòng lợn đã nhanh chóng ”thu phục” tất cả gìa trẻ lớn bé người Việt trong vùng.
Lúc đầu chỉ là đáp ứng sự khoái khẩu, ít lâu sau họ đâm nghiện, trở thành nhu cầu hàng tuần của những người vốn đã ngán các loại thịt . Ông Hoàng trở thành ”Thợ” và biệt danh Hoàng Tiết Canh xuất hiện từ đây. Điều thú vị hấp dẫn ông ngày một mạnh từ lòng lợn – thứ dân Đức cho là phế thải – chính là khoản tiền chế biến ’’Phế thải’’, tiền thu được trong 2 ngày cuối tuần bằng lương đi làm cả tháng.

Lòng lợn, tiết canh.

Năm 1990 nước Đức thống nhất. Không như nhiều người khác nhận tiền bồi thường tự nguyện trở về Việt Nam, ông Hoàng vẫn trụ lại tạo dựng cơ nghiệp. 1992 đưa vợ và 4 con – hai trai hai gái – sang sống cùng. Có an cư mới lạc nghiệp, ông luôn tâm niệm đạo lý này. Nghĩ thì như thế, nhưng từ suy nghĩ đến thực hiện còn một khoảng cách. Hai vợ chồng 4 đứa con, có hai đứa gái đã lớn, không thể không có buồng riêng cho chúng. Thế mà tìm được căn nhà 4 buồng tiền thuê không dưới 1500 Mác một tháng. Tính nhẩm, so sánh: Mỗi tháng tiền thuê nhà quy ra xấp xỉ 1000 USD, hơn 2 lượng vàng. Một năm… mười năm… ôi chao số tiền, số vàng đâu ít. Nếu để ra, tích luỹ hay biết bao! Lại nữa, được sống trong căn nhà của mình… ở đâu thì đầu tư vào bất động sản cũng lãi nhất. Ông quyết định mua nhà!

Một người bạn, mách, có mảnh đất hơn 1000 mét vuông cùng ngôi nhà cổ muốn bán. Hơn 10 năm lao động, tháo vát, tằn tiện, đã để ra ít tiền. Hợp ý nghĩ đang nung nấu trong đầu – ông tức tốc đến xem mảnh đất kia.

Khu đất vuông vắn, nằm sát cạnh bến xe Bus.

Nhà tuy cũ nhưng tường mái còn khá tốt, ngoài tầng ngầm và tầng áp mái, tầng 1 có một phòng chính có thể làm cửa hàng. Tầng hai – 6 phòng, đủ chỗ ở cho vợ chồng con cái . Ông đã vừa ý, đi ra vườn xem: Khi đứng giữa vườn, thọc bàn tay cứng như lưỡi mai xuống đất rồi nâng lên, nắm nắm lai như nắm cơm. Vốc đât nhiều như thế mà sau 3 lân chim chim – chỉ còn một cục to bằng qủa trứng vịt. ”Chà… chà…” – ông tấm tắc ca ngợi chất xốp của đất này.

Đưa mắt lia nhìn qua hàng rào – ngay bên cạnh cổng vào – người đến chờ xe Bus đông nghịt. ”Nhất cận thị, Nhị cận giang” – Ông Hoàng nghĩ vội tức tốc kí kết ngay hợp đồng mua với chủ. Chỉ sau 4 tuần chạy đôn chạy đáo, vay mượn thêm… vợ chồng cùng đàn con đã chuyển về nhà mới. Tuy gía mua đắt hơn so với chỗ khác làm vài bạn chê, ông Hoàng gạt phắt: ’’Tiền nào của nấy – Đắt xắt ra miếng’’ – rồi các ông xem !…

Có đất, có nhà, việc đầu tiên – tiếp tục thực hiện kế hoạch: Vay thêm đám bạn ít tiền, sửa chữa tầng trệt thành cửa hàng dạng Bách hóa tổng hợp: Phần bên trái bày bán quần áo đồ chơi trẻ em, đồ lưu niệm. Phía bên kia đối diện – bán nước uống, rau hoa qủa, đồ hộp, khô. Khoảng trống ngay cửa ra vào được trang hoàng đẹp để bán cà phê, đồ ăn điểm tâm phục vụ dân buổi sáng đứng chờ xe Bus đi làm. Địa điểm này nằm ở rìa thành phố, quán hàng là loại ”bách hoá”, cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho cư dân nên khách mua ngày một đông. Chỉ sau 2 năm chăm chỉ, tằn tiện, chẳng những mọi khoản vay đã trả hết mà còn dư thừa tích lũy.

Vào thời điểm những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ 20, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng quần áo may sẵn gía rẻ của người Đức gốc nước ngoài tăng lên. Một số người Việt có tiền vốn, nhậy bén trước thời cuộc, quyết định hùn nhau mở một trung tâm buôn bán để thoả mãn các loại khách hàng không khó tính, túi tiền chưa được rủng rỉnh. Ở Trung tâm này không thể thiếu cửa hàng thực phẩm châu Á. Dạo đó một ký mồng tơi, rau đay, các loại rau mùi… phải nhập từ Thái Lan, đắt ngang 1 kg thit lợn thăn, thit bê (1). Ông Hoàng nhận ra ngay vấn đề… lặng lẽ bay về thăm nhà rồi thực hiện ý đồ. Chỉ trong vòng 2 tuần vừa ăn tết vừa chuẩn bị, khi trở lại Đức đã có trong tay tất cả những hạt rau – thứ mà dân ta bên châu Âu rất ưa thích.

Lúc đầu gieo trồng cũng không suôn sẻ vì thời tiết, thung thổ… Sau vài vụ thất bát, ông chuyển sang ”thâm canh” và thành công, trở thành người cung cấp rau tươi châu Á cho các cửa hàng bán lẻ trong vùng. Rau muống, mồng tơi, rau đay và những thứ rau thơm – dễ héo hỏng trên đường vận chuyển từ châu Á sang, giờ không còn là món ăn cao cấp đối với người Việt. Điều thú vị hơn: Rau ông trồng do lấy giống từ bên nhà sang nên mùi vị thơm, đậm đà hơn hẳn rau nhập từ Thái Lan, Hà Lan.

Rau muống, rau cải và các loại rau thơm sau này được người Việt đem sang trồng nhiểu ở Đông Âu.

Quan trong nhất: Gía bán ha xuống chỉ còn một phần ba. Các chủ hàng thấy lợi bèn bỏ hợp đồng cũ, ký ngay hợp đồng ”Cung cấp rau tươi” với ông. Mảnh đất trồng rau được trang bị hiện đại, chăm bón đúng quy trình kỹ thuật của ngành trồng trọt Hà Lan… cộng với bí quyết trồng rau – mà từ bé ông đã học được kinh nghiệm của bố mẹ hồi ở quê nhà… Kết qủa chất lượng, sản lượng rau trong mảnh vườn gần 3 sào kia được thực hiện luân canh khiến sản lượng – tăng vọt. Ông chủ giầu lên nhanh chóng.
Để cung ứng kịp thời và thoả mãn nhu cầu cho bạn hàng, cứ vài ngày ông lại đảo qua Trung tâm – Siêu thị – vừa thăm bạn vừa nghe ngóng, thu thập ý kiến của họ nhằm phục vụ tốt hơn.

20 tết Nhâm ngọ 2002, ông đến mua sắm tết. Trước cửa ra vào có đông người tụ tập, mỗi người cầm một túi nặng. Thấy hơi lạ, ông hỏi một người đàn bà trên tay xách 3 túi hàng, chị kia đáp hối hả: Gà trống có đầu, mào to… 2 kí lô… bác vào nhanh…

- Tưởng gì – ông vỡ lẽ, tiến đến sát quầy hàng, nhìn vào: Trong chiếc thùng lớn chỉ còn lại mươi con gà đã làm sạch. Con nào con nấy nguyên vẹn cả đầu, chân, mào to. Cậu bán hàng – là chỗ quen biết – thấy ông vội đon đả: Bác mua đi kẻo hết, trên 2 kí lô cả đấy.

- Có gì mà quan trọng thế. Trong Metro đầy (cửa hàng bán buôn) – ông nói đại.

- Ô, bác nói thế nào ấy chứ. Trên nước Đức làm gì có bán gà trống, cả đầu, chân, trong bụng có nguyên cả cỗ lòng…(2)

- Ờ…đúng… – ông vờ… vỡ lẽ, chữa thẹn – bao nhiêu tiền môt con?

- 20 Đê (D.Mark).

- Đắt thế? Gấp 4.

- Nếu bác có, cửa hàng sẵn sàng nhập với gía 18 D.M/con, nhưng phải từ 2 kí lô trở lên. ”Một gợi ý hay”. Trong đầu ông vụt loé sáng… Vừa lúc tốp gần chục người nữa tiến vào, ông nhặt vội một con, tốp người kia nhặt nốt những con cuối cùng.

Đúng là lần đầu tiên mua được con gà trống nguyên vẹn to như vậy. Bà vợ nhìn thấy còn vui hơn, nhưng trách – Sao không mua mấy con.

- Ôi. Đắt qúa. Gà nào mà chả cúng được. Tuy nói cho qua chuyện nhưng khi bà vợ luộc con gà kính cẩn đặt lên bàn thờ, ông mới thấy tiếc. Cạnh mâm ngũ qủa, con gà trống da vàng rượm, đầu nghênh nghênh trên mỏ cắm thêm bông hoa hồng bằng nhựa đỏ tươi.. Hai chân đệm dưới bụng, nằm bệ vệ trên chiếc đĩa đường kính 35 phân, Hai bên hông gà đặt 2 đĩa xôi gấc đỏ, cặp bánh chưng, cây giò lụa, hai khoanh chả quê cùng chồng mứt tết, mấy chai rượu vang đỏ, trắng. Đèn nhang nghi ngút. Gà vàng, xôi gâc, chả quế đỏ, bánh chưng xanh… khi đứng thắp hương, nhìn – ông mới cảm nhận được tâm trạng của những người sẵn sàng bỏ số tiền hơn 4 lần để mua con gà về đặt lên bàn thờ trong ngày trọng đại cuối năm.

Gà trống, xôi gấc

Chợt như nhớ ra, ông kính cẩn vái 3 vái, miệng nhẩm khấn đoạn đi sang buồng khách bấm số điện thoại. Đầu bên kia có người nhâc máy. Ông Hoàng noí oang oang bằng tiếng Đức không mấy sõi: Tôi cần mua ngay vài trăm gà trống, loại từ 2,5 Kg trở lên. Có không?

- Không. Cả gà mái thì có thể. Nếu 10 ngày sau thì được – người kia từ chối.

Ông Hoàng tư lự giây phút: Còn ba ngày nữa là Táo quân chầu trời. Mùa này ở Đức lung mua cá chép tươi hơi khó, dân ta đành dùng gà thay thế. Tuy còn phân vân về gà mái gà trống. Cuối cùng ông chép miệng – ”Trống, mái đều được, miễn là tươi, gà có đầu, có lòng” – ông vội tiếp: Gíađổ sô bao nhiêu?

- 4,5 D.M. Nếu mua từ 100 con trở lên. Mang đến tận nơi, thêm 0, 5 D.M/ con.

- Phải đảm bảo không dưới 2,5 Kg/ con – đấy nhé.

Bạn cam đoan.

Ông Hoàng cúp máy, quay số khác gọi tiếp cho những cửa hàng bán buôn bán lẻ thông báo, ướm hỏi… bạn hàng đều đồng ý nhập. 30 phút sau mọi việc ổn thoả, quay ra thu dọn, che chắn, chuẩn bị cho nơi tập kết hàng. Một ý nghĩ thoáng qua… ông chậc lưỡi gạt phắt trước món lợi một vốn bốn lời – ”Chỉ trong vòng 1 đêm chắc không sao”!

Khi công việc chuẩn bị vừa xong thì chiếc xe chuyên dụng của ông chủ trại gà cũng táp vào trước cổng. Gà lần lượt thả vào góc chuồng, góc kia có mấy chục con do ông đang nuôi. Tất cả mọi nhân lực hiện diện trong nhà đều sẵn sàng đợi lệnh của ông chủ.
Trời bắt đầu tối.

Mùa đông ở châu Âu tối rất nhanh. Căn phòng này rộng, được cấu trúc đặc biệt, khi cần có thể thay đổi chức năng. Ông cho bật đèn sáng trưng, hối thúc các con trai gái, dâu, rể tương lai – tổng cộng 8 người – bắt tay vào việc. Đầu tiên là cắt tiết làm lông. Giống gà nếu chết rồi mà tiết vẫn còn trong cơ thể, khi luộc chín, thịt sẽ thâm không đẹp, ăn tanh, không ngon. Mỗi con vẫn phải hấng lấy tiết để luộc, kẹp vào cỗ lòng cho đủ bộ, thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật giết mổ, đáp ứng sở thích của khách hàng.

Thế nhưng mọi tính toán chi tiết khoa học đến mấy, trước những biến động ngoại lai có khi cũng làm người ta bị động. Trong số 40 con gà đang nuôi, có 10 con trống do đích tay ông mới thiến với mục đích để giữa năm sau làm cỗ cưới cho con gái. Còn 10 con trống nguyên nuôi để cho 20 con mái lấy giống gà con. Tai hại là trong này có mấy con thiến sót. Cái giống thiến sót rất kỳ la. Lúc ”tính mái” thuần thục thì chú thiến sót nhà ta hiền lành, chẳng quan tâm đến xung quanh. Có khi đang ăn, mấy con mái ”đành hanh” đến tranh ăn, mổ… chàng thiến sót cũng quay người bỏ chạy.

Lúc ”tính trống” trỗi lên chàng ta cố gắng chưng tỏ ”Nam nhi đại trượng… Trống”, do vậy các biểu hiện bên ngoài thể hiện rất rõ: Lừ lừ, gườm gườm đi đên cạnh con mái, duỗi chân gạ… đạp. Nhưng chỉ có đến thế chứ không hơn. Có luc chú ta lại dạng chân vươn cổ, gật gù… gáy. Khốn khổ, tiếng gáy có ra tiếng gà trống đâu, nghe khè khè… ẹt… ẹt… vì chỉ còn sót lại tí chút… Trống – nên gịong đã biến dạng.

Như đã nói ở trên, gian chuồng gà đã che kín bưng, ông Hoàng cho bật 2 ngọn đèn cao áp thủy ngân 1000 wat sáng như ban ngày. Chú thiến sót thấy đông, ồn ào xung quanh, tưởng đã sáng, dạng chân vuơn cổ gáy. Những con Trống thuần chủng dường như nhận biết ra. Thoạt tiên vài con loại ít cân nhất – ”Trống choai” – trong đám, ngẩng đầu, mắt chớp chớp rồi như tức mình – ”Thằng nào gáy vậy mà cũng học đòi. Nghe đây – Ò óo… oooo…”.

Chà, gáy thế mới là gáy chứ!

Khi tiếng gáy thư thiệt cất lên, làm náo động cả đàn. Ngạn ngữ nói chẳng sai ”Gà tức nhau tiếng gáy”. Thế là những con khác nghểnh cổ, dạng chân, đầu gật gù tranh nhau, thi nhau, nối tiếp nhau đáp lại. Âm thanh của những tiếng gáy thứ thiệt, của những chú trống choai, trống vừa, trống gìa ”Originan” cất lên làm náo động cả một đoạn phố…

Lúc này đã 12 giờ đêm, dân cư trong vùng bắt đầu yên giấc. Ông Hoàng tái mặt, lo sợ… lo sợ hơn cả những lúc trong đời đã từng gặp nỗi lo sợ. Luật của nước Đức rất nghiêm. Người ta quy định rõ những nơi được, không được phép nuôi, giết mổ gia súc trên quy mô lớn. Trong tuần chỉ từ thứ 2 đến thứ 6 được ”ồn ào vừa phải” từ 9 giờ sáng đến 8 giờ tối. Bây giờ, chủ nhà đã phạm cả hai lỗi: Mất vệ sinh, làm ô nhiễm môi trường và ồn ào. Hốt hoảng, ông hô vợ con:

- Bỏ mọi việc, ngăn cản không cho chúng gáy.

Bà Hoàng và đám con cái không biết làm sao để chỉ huy cho gà không gáy… đâm lúng túng chưa biết phải làm gì … ông Hoàng chợt nghĩ ra, hô tiếp: Cắt tiết… không kịp… đập chết những con gáy đi!

Hai ông anh vợ cùng hai chú em rể tương lai thi hành lệnh răm rắp.

Gía lũ gà biết sợ như người thì đã đi một nhẽ. Đằng này chúng tỉnh bơ, cứ… gáy… gáy! Ông Hoàng sốt tiết quơ thanh gỗ dựng trong góc phòng, nhẩy tót vào giữa đàn gà – (suýt dẫm chết mấy con mái đang lớ ngớ dương mắt chớp chớp với vẻ ngạc nhiên – nhìn…) – vung thanh gỗ nhằm những con trống đang vươn cổ, xoè cánh sắp gáy – phang vào đầu. Nhiều con vỡ sọ tắt lịm. Có con rất ”quái”, khi thanh gỗ vừa tới gần, nó đã thụt đầu xuống, chúi vào cánh, vào háng con mái đứng bên cạnh. Con mái dường như chưa biết chuyện gì xẩy ra cứ đứng nguyên, loạng choạng – kẹp đầu chàng trống kia dưới đùi, dương mắt chớp chớp nhìn. Nhát phang thật có nghệ – đầy ”chưởng lực âm nhu” – nhìn chỉ như phẩy ruồi, ấy thế mà (con trống đã tránh) – nhát phang trúng đầu con mái, kêu đánh rộp… óc tứa ra …

Vẫn không thể ngăn kịp những con khác. Vả lại không cắt tiết xuể. kịp – ông Hoàng quát: Lấy sợi chun thít cổ những con gáy lại, tiếp tục cắt tiết. Nhanh! Nhanh lên!

4 chàng trai hùng hục lao đến chỗ để dụng cụ đồ nghề, chộp nhanh nắm dây chun – được nền công nghiệp hiện đại Đức chế tạo, tuy nhỏ nhưng dai, bền một cách đặc biệt – thi hành lệnh, gọn, chuẩn xác.

Những con gà tội nghiệp chẳng những không thể kêu, gáy mà chỉ còn dẫy dụa, nghẹt thở, chưa chết nhưng lịm dần. Đống gà chợt chộn rộn… có con ngắc ngoải nên phát ra tiếng kêu….

Phải đến mệnh lệnh này ông Hoàng mới dẹp được cuộc đua nhau gáy của lũ gà. Cũng may bọn chúng mới chỉ gáy được ít phút lại bị ngăn cản. Chuồng được quây kín, dân xung quanh chưa kịp thức giấc, chưa kịp nổi xung vì có anh hàng xóm phá rối giấc ngủ mà gọi điện cho cảnh sát. Sự náo động chưa đủ đánh thức xung quanh…

Đột nhiên trong đống gà có lẽ có con sức sống qúa mãnh liệt, nên vẫn có tiếng chộn rộn…Cũng có thể chiếc dây chun nào đó bị đứt lỏng khiến một số con giẫy đành đạch, kêu ẹt ẹt… Có hai con đang nằm bật đứng dậy , chiếc dây chun quấn quanh cổ lòng thòng , há mỏ từ trong phát ra tiếng khò.. khè, the thé, rớt rãi chảy ra… Sợ chúng lại làm ồn, một’’đồ tể’’ vôi ban cho bọn nó’’nhát phang …ân huệ’’!

Những người còn lại túm cổ từng con cắt tiết rồi vất vào chiếc bồn tắm cũ, cô gái mở van nước nóng. Vài phút sau quy trình: Vặt lông, mổ moi, làm lòng – diễn ra…

Khung cảnh tĩnh mịch của đêm trường trở lại.

Bây giờ ông Hoàng mới hết sợ.

Tuy nhiên ông thở hồng hộc như vừa qua cuộc kéo cầy trong miếng ruộng khô, hồi hơn 40 năm trước ở quê nhà. Ông gieo mình xuống chiếc ghế để ở góc chuồng gà, thở dốc…

6 gìờ sáng, gần 200 con gà làm xong, đưa vào bao nilon, chất trong kho lạnh để 8 giờ các cửa hàng đến lấy phục vụ bà con ta trong ngày cúng ông Táo lên chầu trời – 23 tháng chạp.

Cánh trẻ tắm rửa rồi tranh thủ lên giường ngủ bù lấy lại sức sau một đêm làm việc cật lực.

Ông Hoàng vẫn gật gù bên chai rượu ngũ xà.

Chỉ còn bà Hoàng ngồi bên tiếp rượu, gắp thức nhắm cho chồng. Khi nâng chén rươu thư 5 uống một ngụm, ông hướng vào vợ dè dặt: Bà có mệt không?

Bà Hoàng lắc đầu.

Ông nâng ly rượu tợp hết, giọng như đứt hơi:
- ”Một vốn… bốn lời”… hừ… hừ…mệt.! Lũ gà chết tiệt… làm tôi sốt vó, đến bở hơi tai…

23 tháng chạp tết Nhâm Thìn 2012

(Rút trong tập Truyện ngắn: Những mảnh đời phiêu bạt – tập 2.

Bài do tác giả gửi tới)

—————————————–
(*) – Truyện này còn có tên khác – LÁI GÀ
(1). Tại thời điểm giữa những năm 90 của thế kỷ 20, ở Đức, giá 1 Kg rau đay, rau mùi… mồng tơi – khoảng 22 – 25 D.M (1 USD ăn 1,6 D.Mark). Giá một Kg thịt lợn thăn, thịt bê non: 22 D.M.
(2) – Gà ở Đức giết mổ theo dây chuyền công nghiệp nên cắt tiết – chặt cả đầu…

0 comments:

Powered By Blogger